Ngày xưa, ở huyện Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay có một bà cụ trồng được một cây bầu rất kỳ lạ.
Cây bầu lớn nhanh nhưng chỉ có mỗi một dây chứ không ra nhiều nhánh, nhiều ngọn như những cây bầu bình thường khác. Dây bầu cứ thế lan ra, rồi lan mãi.
Từ huyện Lập Thạch dây bầu bò lên các ngọn đồi, băng qua các con suối, lại băng qua các khúc đ èo, rồi cứ thế bò đến tận huyện Sơn Dương thuộc tỉnh Tuyên Quang. Tới Tuyên Quang, dây bầu leo lên một ngọn núi cao thì dừng lại. Tại đây bầu trổ một bông hoa lớn, xung quanh có mấy bông hoa nhỏ. Vài ngày sau bông hoa lớn kết thành quả. Thế rồi, chẳng mấy chốc quả bầu lớn rất nhanh. Rồi lớn lên mãi. Chưa bao giờ có ai thấy một quả bầu lớn như vậy, gấp đến hàng chục lần một quả bầu bình thường.
Khi quả bầu già vỏ khô lại, rồi tự nhiên vỏ tách ra, từ trong lòng quả bước ra một cô gái bé nhỏ. Cô gái cúi xuống bứt một nhánh bầu đưa lên miệng nhấm, rồi vươn vai, bỗng chốc trở thành một cô gái đã trưởng thành. Cô gái có thân hình chắc khỏe và gương mặt vô cùng xinh đẹp.
Cô gái lần theo dây bầu, bước nhanh thoăn thoắt, vượt qua tất cả các ngọn đồi, các con đèo, các con suối đẻ trở về chỗ gốc cây. Cô gặp bà cụ trồng bầu và nhận bà cụ làm mẹ. Từ đó hai mẹ con làm ăn sinh sống với nhau thật đầm ấm vui vẻ. Bà cụ đặt tên cho cô là Bầu. Đó là cái cách đặt tên giản dị, như từ lâu vốn thế.
Khi đã đến tuổi mãn chiều xế bóng thì bà cụ quy tiên. Nàng Bầu khâm liệm cho mẹ rồi cùng dân làng đưa lên sườn núi để mai táng. Khi đào huyệt đặt quan tài, nàng bắt được một cái chuông lạ. Công việc xong xuôi nàng đem cái chuông ấy về nhà.
Điều kỳ diệu chuông tuy bé nhưng mỗi khi gõ vào thì tiếng kêu lên rất to và vang đi rất xa. Từ Lập Thạch, tiếng chuông vang tới khắp mấy huyện xung quanh. Điều kỳ diệu nữa là, khi nghe tiếng chuông, lòng người ai nấy cũng đều cảm thấy xôn xang, như có điều gì nung nấu ở bên trong, thì chân tay thì đều như muốn cử động..
Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Phong Châu, nàng Bầu hay tin bèn gõ chuông lên, tiếng chuông ngân nga rồi đổ hồi, khắp cả mấy huyện xung quanh đều nghe thấy. Tiếng chuông như nhấn mãi vào lòng mọi người một điều gì đó mà không ai có thể bỏ qua được.
Nghe tiếng chuông, các chàng trai cô gái đang cày cuốc trên đồng, các chành trai đang lặn lội săn bắn ở trong rừng sâu, hay đang quăng chài kiếm cá ở dưới sông ... tất thảy đều bỏ dở công việc, saÜn cung tên hoặc trở về nhà lấy giáo mác, rồi cứ thế, băng đèo lội suối chạy một mạch về phía huyện Lập Thạch, đến bên cạnh nàng Bầu. Chỉ trong một ngày đã có tới mấy ngàn người có mặt. Gươm đao giáo mác sáng rền, cung nỏ tua tủa, cờ bay rợp trời. Rồi mọi người vào cơ ngũ tề chỉnh, nhất tề tôn phù nàng Bầu lên làm chủ tướng .
Việc tôn phù ấy là xứng đáng, bởi vì nàng Bầu chẳng những là chủ của chiếc chuông quý làm rung động lòng người, mà hơn nữa, từ lâu nàng đã là một người hào hiệp, năng tập luyện tinh thông võ nghệ, và được mọi người kính phục.
Đoàn quân của nàng Bầu từ Lập Thạch tiến về Phong Châu hợp với quân của Hai Bà Trưng, đánh cho Tô Định những đòn thất điên bát đảo. 65 thành trì bị hạ, đất nước thu về một mối, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua. Các tướng lĩnh được phong tướng. Nàng Bầu trở thành công chúa nhưng quan sĩ, vốn gần gũi, đã gọi là Bà Chúa Bầu. Bà chúa Bầu đem quân bản bộ về quê hương, làm ăn sinh sống.
Ba năm sau, Mã Viện đem quân sang đáng nước ta. Hay tin, những hồi chuông của bà chúa Bầu lại gióng lên, và mọi người lại lên đường về tập hợp lực lượng, cùng Hai bà Trừng chống giặc.
Nhưng lần này quân địch đông, được chuẩn bị đầy đủ, lại dưới quyền một tên tướng có nhiều mưu sâu kế độc, nên sau nhiều lần giao chiến, quân ta bị thất bại. Hai Bà Trưng trầm mình ở cửa sông Hát còn quân của bà chúa Bầu lúc ấy cũng chạy về vùng Đạo Trù thuộc huyện Lập Thạch.
Khi thấy không còn cách nào cứu vãn nổi tình thế, bà sai quân lính vứt chiếc chuông xuống vực, rồi tự mình cũng nhảy xuống đó, quyên sinh.
Từ đó, các đời sau, mọi người trong vùng Lập Thạch, Sơn Dương đã lập đèn thờ tưởng nhớ công lao của bà ở những nơi xảy ra sự tích.
Thôn của bà mẹ trồng bầu được gọi là thôn Bầu.
Ngọn núi Sơn Dương (Tuyên Quang) được gọi là núi Bầu.
Nơi bà sai vứt chuông rồi tụ vẫn là vực Chuông.
Tại các nơi đền thờ bà, hàng năm dân làng vẫn mở hội lễ. Các triều đại trước kia đều có sắc thượng phong cho bà.